Tháp tài sản - Hiểu đúng để giàu có và thịnh vượng!

Đăng lúc 2022-04-07 15:04:49

Đã bao giờ bạn tự hỏi: Tại sao nhiều người làm nụng vất vả cả đời hay những người từng giàu có xa hoa, nhưng cuối đời vẫn “tay trắng” giống nhau. Với khoản lợi nhuận đầu tư hiện có, thì nên tiếp tục rót vào lớp tài sản cũ hay mới? Bạn sẽ tìm được câu trả lời nếu hiểu rõ hơn về “Tháp Tài Sản”!

 

1. THÁP TÀI SẢN LÀ GÌ

Hôm nay Kênh Trợ Lý Tài Chính sẽ chia sẻ một cách nhìn toàn diện giúp bạn hiểu rõ về “Tháp Tài Sản”: Tháp tài sản chính là một mô hình phân bổ tài sản. Nó như một chiếc “Kim tự tháp” với nhiều tầng xếp chồng lên nhau, tạo nên một kết cấu vững chắc. Tháp tài sản được sắp xếp theo thứ tự từ các tài sản an toàn nhất ở dưới cùng, đến các tài sản mạo hiểm nhất ở phần đỉnh tháp. Sự phân bổ này giúp một cá nhân có thể an tâm về cuộc sống của mình không chỉ ở hiện tại mà cả ở tương lai, giảm bớt sự ảnh hưởng từ các rủi ro bất định trong tương lai.

2. KẾT CẤU CHUẨN CỦA THÁP TÀI SẢN?

Tháp tài sản phổ biến thường bao gồm 5 tầng tài sản được chia thành 5 lớp: Tài sản vô hình, tài sản bảo vệ, tài sản tạo thu nhập, tài sản tăng trưởng và tài sản mạo hiểm (rủi ro).

Tài sản vô hình: Là phần đáy tháp, phần được tích luỹ sớm nhất và sẽ là phần có diện tích rộng nhất trên tổng thể toàn bộ mô hình. Và đương nhiên, quy mô tài sản của bạn sẽ tỷ lệ thuận với phần nền móng này. Đây chính là phần giá trị của bạn mà bạn sẽ phải tích luỹ hàng ngày, hàng giờ trong suốt quãng đời của mình. Với tất cả những mục tiêu mà bạn muốn đạt được, bạn cần phải có tài sản vô hình tương xứng. Tài sản vô hình này được thiết lập từ 3 yếu tố cơ bản nhất, bao gồm năng lực (kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm); mạng lưới mối quan hệ và Thương hiệu.

Lớp tài sản bảo vệ: Được ví như phao cứu sinh được tận dụng vào những lúc nguy cấp bao gồm vàng, quỹ dự phòng khẩn cấp, các loại hình bảo hiểm, BĐS để ở… Trong suốt hành trình tài chính cuộc sống, ai cũng có lẽ sẽ gặp những vấn đề cấp bách và biến cố bất ngờ, lớp tài sản này sẽ giữ cho bạn tồn tại và yên tâm tiến đến những lớp tài sản cao hơn. Sở hữu lớp tài sản bảo vệ đủ lớn sẽ giúp bạn vững vàng trong công cuộc phát triển sự nghiệp, an tâm về sức khỏe (thể chất lẫn tinh thần), cho dù chẳng may có chuyện không hay xảy đến, bạn vẫn có 1 lớp tài sản dự phòng cho những rủi ro này.

 Lớp tài sản thu nhập: Tương tự như một người làm thuê chính hiệu, lớp tài sản này sẽ mang về thu nhập đều đặn và ổn định hàng tháng/ năm, một cách “trung thành”. Bạn nên ưu tiên tìm kiếm những tài sản có khả năng tạo ra lợi nhuận cho bạn thật đều đặn. Một vài tài sản cơ bản có thể bỏ vào lớp này như là bất động sản cho thuê, tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản dòng tiền…

Lớp tài sản tăng trưởng: Khi đạt được một sự an toàn nhất định, cùng với lớp tài sản vô hình và tài sản bảo vệ ngày càng lớn mạnh. Đến đây bạn sẽ có đủ hành trang để bồi thêm một lớp cao hơn như một "cú hích" tài chính. Có nghĩa là bạn có khả năng kiếm được lợi nhuận nhiều hơn dự toán dựa trên số vốn mình có thể có. Lớp tài sản thứ ba này sẽ tập trung vào những kênh đầu tư có hiệu quả sinh lời kỳ vọng tốt hơn, ở Việt Nam lớp này thường được lấp đầy bởi chứng khoán, điển hình là cổ phiếu bluechip, chứng chỉ quỹ, bất động sản đất nền. Lớp tài sản này có thể giúp bạn rút ngắn thời gian đạt được mục tiêu tài chính. Đi cùng với kỳ vọng lợi nhuận, rủi ro của lớp này cũng chính là thứ khiến cho bạn phải lưu ý. Tới đây thì có một sự tương quan mà bạn cần phải ghi nhớ trong suốt lộ trình xây dựng tháp tài sản của bạn: Cho dù bạn đầu tư vào bất kỳ loại tài sản nào ở lớp này, độ lớn (chất lượng) của tài sản vô hình sẽ tỷ lệ thuận với lợi nhuận và tỷ lệ nghịch với rủi ro mà bạn phải đối mặt.

Lớp tài sản rủi ro: Là phần đỉnh chóp – Lớp tài sản này được phân bổ khi và chỉ khi các lớp tài sản trên đã được xây dựng vững chắc và hoạt động ổn định, dành cho những nhà đầu tư đam mê đi tìm kỳ vọng lợi nhuận cao. Bởi nó là lớp tài sản có thể giúp cho số tiền đầu tư của bạn x2, x3 hay thậm chí là nhân 2 chữ số trong thời gian ngắn, là những kênh đầu tư dành cho người có kiến thức sâu và chuyên nghiệp (startup là một điển hình). Cũng như tỉ lệ của phần này trong tòa tháp chúng ta đang nhắc đến, tôi nghĩ bạn chỉ nên đầu tư một khoản nhỏ 5-7% tài sản vào đây và hãy trong tâm thế số tiền này có thể mất bất cứ lúc nào! Lớp tài sản này bao gồm cổ phiếu penny, hàng hóa phái sinh, BĐS nghỉ dưỡng, Crypto…

Đặc thù sự phân lớp của tài sản sẽ phụ thuộc vào 4 yếu tố: mức độ tăng trưởng, thời gian tăng tưởng, rủi ro chấp nhận và kỳ vọng lợi nhuận mang lại trên từng lớp tài sản. Do đó, tuỳ thuộc vào năng lực cá nhân và thời điểm đầu tư, một loại tài sản có thể thuộc nhiều lớp tài sản khác nhau. Ví dụ như bất động sản hoàn toàn có thể nằm ở lớp tài sản bảo vệ, thu nhập hay tăng trưởng; vàng có thể nằm ở lớp tăng trưởng trong giai đoạn kỳ vọng lạm phát tăng cao hay nằm ở lớp bảo vệ khi mục tiêu của bạn là đảm bảo an toàn cho các biến động lớn về kinh tế như covid.

3. NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG THÁP TÀI SẢN

- Xây từ dưới lên.

- Đáy tháp càng rộng càng tốt.

- Càng lên cao rủi ro càng cao

Về cơ bản, muốn xây 1 lớp tài sản kiên cố, bạn cần phải xây 1 nền móng vững chắc, sau đó dần dần bồi đắp phần trên. Nhưng đa phần mọi người vẫn chưa hiểu được điều này, họ bỏ hoàn toàn tài sản của mình vào lớp tài sản rủi ro ở trên đỉnh tháp (cơn sốt coin, cổ phiếu thời gian qua là một ví dụ). Vô tình khi kênh đầu tư gặp vấn đề, chiếc tháp không có nền móng bị lung lay và sụp đổ là điều tất yếu. Đây chính là tầm quan trọng của lớp tài sản.

Tóm lại Tháp tài sản không chỉ là một lộ trình vạch sẵn cho bạn trên con đường chinh phục tài chính, nó còn nhắc bạn nhớ phải đi từ gốc lên ngọn, những lớp tài sản cơ bản nhất là rất cần thiết trước khi đi lên một cấp độ cao hơn. Hãy phân bổ tài sản một cách hợp lý và theo nguyên tắc. Nếu áp dụng nguyên tắc xây dựng Tháp tài sản và nắm rõ "khẩu vị rủi ro", bạn sẽ trở lên giàu có bền vững.

Với những thông tin chia sẻ trên, kênh Trợ Lý Tài Chính mong muốn mang đến cái nhìn tổng quan về Tháp tài sản và giúp các bạn quản lý hiệu quả tài sản của mình.

Bạn cũng có thể tham khảo một loại tài sản đặc biệt – Bảo hiểm Liên kết đầu tư, có thể giúp bạn phòng thủ và tăng trưởng tài sản hiệu quả tại đây!

Bạn có thể tìm hiểu các bài viết liên quan: Quỹ mở là gìSách lược đầu tư hiệu quả với Quỹ mởBí quyết đầu tư qua Quỹ mở hiệu quả