Quỹ mở là gì ? Tôi đầu tư qua Quỹ mở có an toàn không?

Đăng lúc 2021-11-17 13:11:04

Quỹ mở đã xuất hiện tại Việt Nam cũng khá lâu, tuy nhiên nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về những lợi ích mà Quỹ mở mang lại. Hãy cùng Trợ Lý Tài Chính cập nhật thông tin cơ bản về Quỹ mở nhé!

 

Qua bài viết này, các bạn sẽ được Trợ Lý Tài Chính giải đáp các nội dung:

1. Quỹ đầu tư, Quỹ mở là gì ? lợi nhuận của Nhà đầu tư thế nào?

2. Lợi ích của Quỹ mở như thế nào?

3. So sánh với các kênh đầu tư khác?

4. Sự đảm bảo và minh bạch từ Quỹ mở ra sao.

1. Quỹ đầu tư là gì ? Quỹ đầu tư dạng mở là gì ?

Quỹ đầu tư là một cách để các nhà đầu tư có thể đầu tư vào thị trường chứng khoán. Thay vì phải mở tài khoản đầu tư chứng khoán tại công ty chứng khoán và tự nghiên cứu và lựa chọn chứng khoán để đầu tư, các nhà đầu tư có thể đầu tư vào quỹ đầu tư với một danh mục đa dạng.

Trong loại hình này, các nhà đầu tư (thông thường là vài ngàn người) bỏ tiền vào quỹ và chỉ định một tổ chức chuyên nghiệp (công ty quản lý quỹ) để thay mặt nhà đầu tư thực hiện đầu tư. Mọi khoản đầu tư và lợi nhuận (hoặc lỗ) đều thuộc về các nhà đầu tư đã bỏ vốn vào quỹ, KHÔNG thuộc về công ty quản lý quỹ. Tiền trong quỹ chỉ được phép đầu tư vào chứng khoán và các tài sản khác được luật pháp cho phép, và không bao giờ được đầu tư vào chính công ty quản lý quỹ. Công ty quản lý quỹ đơn thuần chỉ là một bên cung cấp dịch vụ quản lý và thực hiện đầu tư thay mặt cho nhà đầu tư.

Hiện nay, hình thức quỹ đầu tư phổ biến nhất tại Việt Nam là quỹ đầu tư dạng mở. Quỹ được gọi là “mở” vì các khoản đầu tư vào quỹ không hề có kỳ hạn cố định nào, nhà đầu tư có thể tham gia vào quỹ và rút vốn ra khỏi quỹ bất kỳ lúc nào. Để tham gia vào quỹ, nhà đầu tư cần mở tài khoản và chuyển tiền vào tài khoản của quỹ tại ngân hàng giám sát (KHÔNG phải tài khoản của công ty quản lý quỹ). Khi nhà đầu tư muốn rút vốn, nhà đầu tư chỉ cần gửi yêu cầu đến công ty quản lý quỹ. Khi nhà đầu tư tham gia (giao dịch mua) hay rút vốn (giao dịch bán), thì mức giá mua/bán là giá trị của quỹ tại thời điểm tham gia hay rút vốn đó.

Giá trị của quỹ tại một thời điểm chính là tổng giá trị tài sản của quỹ trừ đi tổng chi phí hay nợ phải trả của quỹ tại thời điểm đó, chúng ta gọi giá trị này là giá trị tài sản ròng của quỹ, hay viết tắt là NAV (Net Asset Value). Tại Việt Nam, luật pháp quy định tất cả giá trị NAV phải được cập nhật và công bố rộng rãi cho mọi nhà đầu tư được biết. Hiện nay, đa phần các quỹ mở tại Việt Nam thực hiện cập nhật và công bố NAV ít nhất là một lần một tuần.

2. Ưu thế của quỹ mở

#1. Giá trị đầu tư tối thiểu thấp

Quỹ mở là hình thức đầu tư vào thị trường chứng khoán đòi hỏi số vốn khởi điểm rất thấp, thậm chí thấp hơn cả mức đầu tư khi nhà đầu tư tự mình đầu tư vào cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể tham gia vào quỹ mở chỉ với vài triệu đồng cho một lần đầu tư, mức tổi thiểu đối với các quỹ mở hiện nay do Manulife quản lý chỉ từ 500.000 đồng.

#2. Tính thanh khoản cao

Quỹ mở là hình thức đầu tư chứng khoán có thanh khoản cao và ổn định nhất. Nhà đầu tư có thể góp vốn, và khi cần tiền có thể rút vốn bất kỳ lúc nào và quỹ bắt buộc phải thực hiện. Trong trường hợp nhà đầu tư trực tiếp nắm giữ cổ phiếu, với quy mô nhỏ và điều kiện thị trường không thuận lợi, việc thoái vốn ra khỏi cổ phiếu sẽ tương đối khó khăn cho các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ và thường các nhà đầu tư phải chấp nhận bán giá thấp để thoái vốn kịp thời.

#3. Kiểm soát rủi ro

Rủi ro ở đây chính là rủi ro biến động giá chứng khoán theo điều kiện thị trường. Phương pháp hạn chế rủi ro này một cách hiệu quả chính là thực hiện đa dạng hóa đầu tư, hay nói cách khác: “không để hết trứng vào một giỏ”. Trong phương pháp này, quỹ sẽ đầu tư vào một danh mục nhiều mã chứng khoán thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, nhằm tránh các ảnh hưởng của việc tăng hay giảm giá của một vài mã chứng khoán. Thông thường, môt quỹ đầu tư sẽ đầu tư vào ít nhất là 20 mã cổ phiếu và trái phiếu cộng với các tài sản khác. Với quy mô của một nhà đầu tư cá nhân, việc đa dạng hóa nói trên là rất khó khăn vì đòi hỏi số vốn phải đủ lớn, cộng them nhiều kiến thức, thời gian nghiên cứu thị trường chứng khoán, đây là điều mà các nhà đầu tư cá nhân khó lòng làm tốt hơn các tổ chức quản lý quỹ chuyên nghiệp.

#4. Tối ưu hóa nguồn lực

Với nguồn lực có giới hạn, các nhà đầu tư cá nhân khi tự mình thực hiện đầu tư chứng khoán sẽ phải đánh đổi nhiều thời gian, công sức, và tiền bạc để nghiên cứu và ra quyết định đầu tư. Trong khi với thời gian, công sức, và tiền bạc đó, nhà đầu tư có thể làm nhiều điều khác thuộc về chuyên môn của mình hay những điều khác có ý nghĩa cho đời sống tinh thần của bản thân và gia đình.

#5. Quy trình đầu tư quỹ mở đơn giản

Đồng thời các trách nhiệm xử lý-giám sát được giao cho các tổ chức chuyên nghiệp nhằm bảo vệ nhà đầu tư tối đa. Để đầu tư vào quỹ mở, nhà đầu tư chỉ cần trải qua các thủ tục tương tự như mở tài khoản tiền gửi ở ngân hàng với thời gian nhanh chóng. Nhà đầu tư có thể tham khảo về lợi ích Quỹ mở tại đây.

3. Ưu và nhược điểm của các Kênh đầu tư khác tại Việt Nam 

#1. Tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng

Hình thức đầu tư đơn giản nhất, rủi ro khá thấp và cũng là hình thức đầu tư rất phổ biến. Tiền được gửi vào tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn cố định (vd: 3, 6, 12, hay 18 tháng), tiền gốc sẽ được hoàn trả vào cuối kỳ, tiền lãi có thể được thanh toán hàng tháng, hàng quý, hoặc cuối kỳ tùy theo quy định của từng ngân hàng và thỏa thuận với khách hàng. Nhìn chung tiền gửi tiết kiệm rất an toàn, tuy nhiên hạn chế là lợi suất là không cao, chỉ hơn mức lạm phát một chút. Loại hình đầu tư này phù hợp với tất cả nhà đầu tư.

#2. Chứng khoán

Từ những năm 2000, các nhà đầu tư Việt Nam đã bắt đầu làm quen và đầu tư vào chứng khoán, chủ yếu là vào các cổ phiếu phổ thông của các công ty đại chúng. Đầu tư vào cổ phiếu là cách để nhà đầu tư có thể nắm giữ một phần nhỏ của một công ty lớn. Khác với cổ phiếu, mua trái phiếu là cách nhà đầu tư cho các công ty vay tiền của mình. Nhà đầu tư có thể đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu bằng cách mở tài khoản đầu tư chứng khoán tại một công ty chứng khoán, hoặc bằng cách đầu tư vào quỹ đầu tư hiện đang đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu. Hạn chế kênh đầu tư này là Nhà đầu tư cá nhân khó có đủ kiến thức chuyên môn, vốn nhỏ, dễ bị tác động tâm lý tiêu cực trong ngắn hạn, mặc dù dàn nhiều thời gian tìm hiểu và nghiên cứu nhưng vẫn chứa đựng rủi ro cao.

Ngoài ra, khi đầu tư vào chứng khoán, Nhà đầu tư sẽ cần lường trước 2 rủi ro lớn sau đây:

Thứ nhất, rủi ro biến động giá. Đây là rủi ro mà giá thị trường của chứng khoán mà nhà đầu tư mua bị biến động theo thời gian. Biến động có thể theo hướng tăng lên và cũng có thể theo hướng giảm đi. Giá chứng khoán phụ thuộc vào tình hình kinh tế Việt Nam và thế giới và kết quả hoạt động của công ty. Và mỗi nhà đầu tư trên thị trường lại có kỳ vọng khác nhau đối với cùng một điều kiện kinh tế và kết quả hoạt động của công ty, do đó cung cầu mua bán chứng khoán luôn biến động dẫn tới giá thị trường của chứng khoán cũng biến động theo.

Thứ hai, rủi ro thanh khoản: Đây là rủi ro mà nhà đầu tư phải gặp khó khăn trong việc bán chứng khoán để thu tiền mặt về. Như đã nói trên, để thu tiền mặt về, nhà đầu tư cần bán chứng khoán cho một nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện của thị trường, không phải lúc nào cũng có người mua, và không phải lúc nào giá bán cũng cao hơn giá mua ban đầu. Có nhiều trường hợp trong đó nhà đầu tư nắm giữ gặp nhiều khó khăn để có thể bán chứng khoán và phải chấp nhận bán giá thấp hơn thị trường để thu hồi tiền về kịp thời. Đối với chứng khoán niêm yết, rủi ro thanh khoản không còn quá nghiêm trọng, tuy nhiên, rủi ro này không thể hoàn toàn bị triệt tiêu và các nhà đầu tư vẫn phải đối mặt.

#3. Bất động sản

Một số người sau khi đã tích cóp được một số vốn nào đó (từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng) có thể lựa chọn đầu tư vào bất động sản. Họ có thể mua đất nền, nhà đất, hay căn hộ. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tương đối nhanh, giá bất động sản cũng vì thế mà tăng dần theo thời gian, đặc biệt là tại các đô thị, từ đó mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Hạn chế của đầu tư vào bất động sản đòi hỏi vốn tương đối lớn và khá rủi ro, do đó nhìn chung bất động sản chỉ thích hợp với các nhà đầu tư có đủ vốn và có thể chịu được rủi ro tương đối lớn.

#4. Vàng và ngoại tệ

Một số nhà đầu tư lại lựa chọn đầu tư vào vàng và các ngoại tệ, chủ yếu là đồng đô la Mỹ (USD) và đồng Euro. Thông thường các nhà đầu tư đầu tư vào các kênh này như một biện pháp phòng ngừa rủi ro trượt giá (do lạm phát) của tiền đồng Việt Nam.

#5. Bỏ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, thương mại, hoặc cung cấp dịch vụ

Có khá nhiều người Việt Nam mong muốn có một hoạt động kinh doanh của riêng mình hay góp vốn với người thân và bạn bè. Kênh đầu tư này vốn là một hoạt động khá phức tạp và nhiều rủi ro, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, kiến thức, và thời gian để vận hành mô hình kinh doanh. Kênh đầu tư này chỉ thích hợp với những nhà đầu tư có tinh thần làm giàu tự thân cao và có khả năng chấp nhận rủi ro ở mức cao nhất.

4. Sự đảm bảo hoạt động minh bạch từ công ty Quản lý Quỹ 

Để giải quyết điều đó, pháp luật yêu cầu có sự tham gia của một bên thứ ba độc lập, đó là Ngân hàng Giám sát. Ngân hàng giám sát là một ngân hàng được cấp phép làm nhiệm vụ giữ tiền và tài sản của quỹ đầu tư và giám sát hoạt động của công ty quản lý quỹ. Cơ chế ba bên này có những ràng buộc lẫn nhau như sau:

Thứ nhất, các quy định về mục tiêu đầu tư, phạm vi, trách nhiệm và quyền hạn của 3 bên được quy định trong các văn bản quỹ chính thức. Nội dung của các văn bản này được đồng thuận bởi 3 bên và phải được phê duyệt bởi cơ quản quản lý Nhà nước, ở đây là Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước. Nhà đầu tư có thể đọc Điều lệ Quỹ và Bản cáo bạch của các quỹ để nắm rõ điều này.

Thứ hai, khi Nhà đầu tư chuyển tiền góp vốn vào quỹ, họ KHÔNG chuyển tiền vào tài khoản của công ty quản lý quỹ, thay vào đó, họ chuyển tiền vào tài khoản của quỹ, dưới tên quỹ, được mở tại Ngân hàng giám sát.

Thứ ba, công ty quản lý quỹ chỉ được phép sử dụng tiền từ tài khoản quỹ trong phạm vi đã quy định tại văn bản quỹ nói trên. Ngân hàng giám sát chịu trách nhiệm giám sát hoạt động đầu tư của công ty quản lý quỹ và có quyền ngăn chặn các hành động trái với Điều lệ và Bản cáo bạch bất kỳ lúc nào và báo cáo lên cơ quan chủ quản là Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước.

Thứ tư, công ty quản lý quỹ không được phép lấy tiền của quỹ để đầu tư vào chính công ty quản lý quỹ hay để thanh toán cho bất kỳ khoản nợ hay chi phí gì của công ty quản lý quỹ.

Thứ năm, Ngân hàng giám sát và công ty quản lý quỹ chịu sự giám sát cao nhất từ Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước. Các đơn vị này phải báo cáo cho Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước hoạt động của mình ít nhất là hàng tháng.

Các bài viết hữu ích liên quan: Sách lược đầu hiệu quả qua Quỹ mở

Hãy liên hệ Trợ Lý Tài Chính tại đây, để được tư vấn chuyên sâu về hình thức đầu tư Ủy thác qua Quỹ mở nhé.