Kim Tứ Đồ - Không thể không hiểu rõ nếu bạn muốn giàu có!

Đăng lúc 2021-11-10 12:11:45

Kim Tứ Đồ là một khái niệm được nêu ra trong bộ sách Dạy con làm giàu, một trong những nghiên cứu có giá trị sâu sắc của tỷ phú người Mỹ gốc Nhật Robert Kiyosaky. Nó đề cập đến 4 nhóm người làm ra tiền trong xã hội, bất cứ ai trong chúng ta cũng thuộc về 1 trong 4 nhóm đó. Nếu muốn giàu có hãy cùng Trợ Lý Tài Chính khám phá vị trí của bạn trong đó nhé!

 

Khái niệm Kim Tứ Đồ được nhắc đến lần đầu vào năm 1997 trong cuốn sách Cha giàu cha nghèo – một tác phẩm best seller của tác giả Robert Kiyosaki, cuốn sách này cũng được coi như kim chỉ nam cho sự độc lập tài chính, tự do tài chính của nhiều cá nhân trên thế giới. Sau bài viết này, bạn sẽ nhận được một số thông tin như:

Tôi là ai trong số 4 nhóm người?

Tôi kiếm tiền bằng phần nào trong mô hình này?

Tôi phải gia nhập vào nhóm nào để tự do tiền bạc?

Chính sự thay đổi về tư duy kiếm tiền, sự tích cực trong suy nghĩ và định hướng đúng đắn là cột mốc đầu tiên giúp bạn trở nên giàu có.

"Dù bạn kiếm tiền bằng bất cứ phương pháp gì, bạn cũng sẽ ở một trong 4 góc của Kim tứ đồ và khi bạn đã hiểu rõ Kim tứ đồ, bạn sẽ dễ dàng nhận ra bạn đang làm việc vì tiền hay tiền đang làm việc cho bạn" – Robert Kiyosaki –

4 CÁCH KIẾM TIỀN THEO KIM TỨ ĐỒ

Kim Tứ Đồ biểu thị 4 nhóm người làm ra tiền theo tính chất công việc:

I. Nhóm L (Employee)

– Nhóm này gồm những người làm công (hay làm thuê).

Họ làm việc cho một cá nhân hay một tổ chức, một doanh nghiệp nào đó và được trả lương. Trong công việc, họ đóng vai trò là nhân viên, nếu là sếp thì sẽ có sếp lớn hơn.

– Những người nhóm L tạo ra thu nhập bằng cách đánh đổi thời gian, sức lao động, trí tuệ, sức khỏe,… của mình. Thu nhập của họ là thu nhập chủ động.

– Nhóm L có một số đặc điểm công việc và thu nhập như: Có một công việc cố định và khá ổn định; Nếu họ nghỉ việc thì họ sẽ không có thu nhập; Làm việc cho một cá nhân hoặc một tổ chức, một doanh nghiệp nào đó; Thời gian làm việc một ngày 8 tiếng hoặc hơn, cố định và không linh hoạt; Được trả một mức lương khá ổn định theo định kỳ.

Mặc dù có một mức thu nhập và công việc ổn định, được bảo đảm các khoản phụ cấp, phúc lợi nhưng mức thu nhập của nhóm L bị phụ thuộc vào Chủ lao động của họ, phụ thuộc vào tình hình kinh tế, tình hình thị trường và vào năng lực cá nhân của họ. Chưa kể, có một số công việc có tính chất chỉ cho phép con người ta làm đến một độ tuổi nào đó. Nếu nhóm L có thể làm việc như vậy suốt đời thì cũng rất khó để giàu có và tự do tài chính vì thu nhập của họ là thu nhập chủ động và mức thu nhập thường không cao. Nếu thu nhập cao thì đòi hỏi họ phải có năng lực cao, thời gian làm việc nhiều hơn, bận bịu hơn, ít thời gian để lo cho bản thân và gia đình.

Hơn nữa, trong suốt quãng đời của mình những người nhóm L sẽ luôn “lặp đi lặp lại” một chu trình đó là bán thời gian, sức lực, trí tuệ cho người khác để kiếm thu nhập. Tình trạng này được Robert Kiyosaki gọi là “Vòng Chuột” (Rat Race), với hàm ý là một sự theo đuổi vô nghĩa, mù quáng, không có lối thoát.

II. Nhóm T (Self – Employed)

– Nhóm này gồm những người tự doanh. Họ có thể tự làm cho mình hoặc thuê mướn lao động làm cùng với mình. Họ thường có một doanh nghiệp nhỏ, một cơ sở kinh doanh một sản phẩm hay dịch vụ nào đó và làm việc cùng với một số nhân viên mà họ thuê mướn. Họ đóng vai trò vừa là nhân viên vừa là ông chủ, họ là một thành phần hoặc là chính hệ thống kinh doanh đó, tức họ làm việc cho chính mình.

Ví dụ như: chủ shop quần áo, một thợ hớt tóc là chủ một tiệm hớt tóc, một luật sư tự mở văn phòng luật, chủ tạp hóa, chủ xe hủ tiếu, chủ quán cafe, các Freelancer làm việc tự do,…

– Những người nhóm T cũng tạo ra thu nhập bằng cách đánh đổi thời gian, sức lao động, sức khỏe, trí tuệ… của mình để tạo ra thu nhập.

Nếu họ tự làm cho mình 100% thì khi họ nghỉ làm thu nhập sẽ dừng lại.

Thu nhập của họ là thu nhập chủ động, nhưng khác biệt so với nhóm L là những người nhóm T có thể tự quyết định được thu nhập của mình.

– Nhóm T có một số đặc điểm công việc và thu nhập như thường có mức thu nhập cao hơn nhóm L; Nhóm T chịu áp lực công việc và rủi ro cao hơn so với nhóm L; Họ có thể tự mình sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi một cách linh hoạt theo ý chí của mình; Công việc và thu nhập của họ cũng bị ảnh hưởng bởi tình hình thị trường; Vì tự làm thuê và tự trả lương cho mình nên thu nhập của họ phụ thuộc nhiều vào thời gian, sức lực, sức khỏe do chính họ bỏ ra.

III. Nhóm C (Business Owner)

– Nhóm này gồm những người làm chủ sở hữu doanh nghiệp hay hệ thống kinh doanhVí dụ như: Chủ của một doanh nghiệp, chủ của một chuỗi các quán cafe, chủ của một chuỗi các của hàng bán lẻ, chủ khách sạn, chủ nhà hàng,…

– Những người nhóm C tạo ra thu nhập bằng cách xây dựng hệ thống kinh doanh và thuê mướn lao động về làm cho mình. Hay nói cách khác, họ tận dụng sức mạnh của hệ thống kinh doanh cùng với việc sử dụng thời gian, sức lao động, trí tuệ,… của người khác để tạo ra thu nhập cho hệ thống, trong đó có bản thân họ.

– Nhóm C có một số đặc điểm công việc và thu nhập như

+ Việc kinh doanh của hệ thống (tức thu nhập của họ) chịu ảnh hưởng bởi thời gian, lao động, nhu cầu và biến động thị trường,…nên họ vẫn phải kiểm tra, theo dõi, giám sát hoạt động của doanh nghiệp, do đó thu nhập của họ phần lớn vẫn là thu nhập chủ động.

+ Họ ít khi bắt tay vào làm việc như nhóm L và T, mà họ tập trung xây dựng hệ thống kinh doanh và thuê nhân viên. Sau đó, hệ thống đi vào vận hành và nhân viên làm việc thay cho họ. Họ có thể sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi linh hoạt hơn nhóm L và T.

IV. Nhóm Đ (Investor)

– Nhóm này gồm những nhà đầu tư. Những người nhóm Đ tạo ra thu nhập bằng cách “dùng tiền để tạo tiền”. Họ đầu tư vào những tài sản sinh lời để mang về lợi nhuận cho họ. Ví dụ như đầu tư vào một doanh nghiệp, trái phiếu, các quỹ đầu tư, bất động sản,… Hoặc kiếm thu nhập từ tài sản do họ làm chủ, điển hình là các loại tài sản cho thuê như ô tô, đất đai, nhà cửa,… Thu nhập của họ là thu nhập thụ động.

– Nhóm Đ có một số đặc điểm công việc và thu nhập như: Họ có thời gian làm việc và nghỉ ngơi vô cùng linh hoạt; Họ chỉ cần đầu tư vào một tài sản có khả năng sinh lời và hưởng lợi nhuận; Ngoài pháp luật ra thì họ chỉ làm việc theo ý chí và niềm tin của mình.

ĐẶC ĐIỂM 4 NHÓM TRONG KIM TỨ ĐỒ VÀ 5 SAI LẦM THƯỜNG GẶP

Kim tứ đồ có 2 đặc điểm trong bản chất là:

– Thể hiện 4 cách kiếm tiền khác nhau của 4 nhóm người khác nhau.

– Chỉ Định hướng suy nghĩ chứ không phải nêu lên một Hành động cụ thể.

Bằng cách thể hiện 4 cách kiếm tiền khác nhau của 4 nhóm người, Kim Tứ Đồ đã vẽ ra “bức tranh” tổng quát về những cách kiếm tiền trên thế giới, giải thích vì sao có những cách kiếm tiền đó, mỗi cách có lợi và hại như thế nào.

Từ đó giúp định hướng suy nghĩ của chúng ta, sau cùng mới là hành động để đi đến nhóm mà chúng ta mong muốn.

Việc một người di chuyển từ nhóm này sang nhóm kia, chúng ta hãy tạm gọi là “nhảy nhóm”. Trong quá trình “nhảy nhóm”, chúng ta hay bắt gặp 5 sai lầm như:

(1) Nhóm L không dám “nhảy” sang nhóm T, C hay Đ do nỗi sợ thất bại, nỗi sợ rủi ro lấn át, hoặc đã dám rồi nhưng vẫn mang nỗi sợ đó bên trong mình. Đây là thất bại trước mắt nằm ngay trong suy nghĩ của chúng ta, khi chúng ta thua từ ngay trong suy nghĩ thì thật khó để tìm ra lý do cho việc chúng ta thành công.

(2) Có người sau khi hiểu Kim Tứ Đồ nói gì đã vội vàng “nhảy nhóm” mà quên mất yêu cầu cần thiết trước khi “nhảy nhóm” là gì. Việc này rất dễ dẫn đến thất bại trong khi chuyển nhóm.

(3) Có suy nghĩ cho rằng, vì mỗi người có suy nghĩ, tính cách, nghề nghiệp, chuyên môn,… khác nhau nên mỗi người thường chỉ thích hợp với 1 nhóm.

Sự thật thì không phải vậy, trên thực tế vẫn có nhiều người thành công ở 2, 3 thậm chí cả 4 nhóm. Bởi vì, những suy nghĩ, tính cách, chuyên môn hoàn toàn có thể được học tập và rèn luyện.

(4) “Ở nhóm C và Đ sẽ thành công về mặt tài chính”. Điều này không hẳn đúng, vì thực tế đã cho thấy nhiều trường hợp, nhóm C và Đ vẫn có thể thất bại và trở về số 0, thậm chí là âm. Bởi vì, việc ở một nhóm nào đó không quyết định thành công về tài chính mà chỉ đem lại cơ hội thành công về tài chính. Việc thành công hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau nữa.

(5) Đôi khi có sự so sánh là “Ở nhóm này sẽ tốt hơn nhóm kia”, “Nhóm này quan trọng hơn nhóm kia”, “Ở nhóm này sẽ abcxyz hơn nhóm kia”,… Sự thật thì không hẳn vậy. Ở một nhóm bất kỳ không hẳn đã tốt hơn hay quan trọng hơn nhóm khác.

Bởi vì mỗi nhóm đều có những ý nghĩa nhất định và có những đóng góp giá trị nhất định cho nền kinh tế và xã hội. Nền kinh tế luôn cần đủ 4 nhóm người trên Kim tứ đồ. Và để trở nên giàu có và tự do về tài chính hơn, mỗi người đều nên tìm cách nâng cao năng lực, mục tiêu của mình và đặt mình vào ít nhất 2 nhóm trên Kim tứ đồ.

YÊU CẦU CẦN THIẾT TRƯỚC KHI CHUYỂN NHÓM TRONG KIM TỨ ĐỒ

Ở phần trên chúng ta đã biết, nguồn gốc của 4 nhóm người khác nhau là do quan điểm, suy nghĩ, niềm tin, tính cách, sở thích,… khác nhau.

Chính những điểm nằm “sâu bên trong con người” này đã quyết định việc một người chọn cách kiếm tiền như thế nào.

Robert Kiyosaki gọi đó là “giá trị gốc rễ”, nên khi muốn “di cư” sang một nhóm nào đó và hơn hết là để trụ lại và kiếm tiền từ nhóm đó thì trước hết, chúng ta cần tìm hiểu, làm quen và thích nghi với những “giá trị gốc rễ” của nhóm đó.

Hay nói cách khác chính là thay đổi suy nghĩ, thay đổi thói quen, rèn luyện thái độ, cá tính cần có sao cho phù hợp với nhóm mà chúng ta cần đến. Sau đó là học tập những kiến thức, kỹ năng chuyên môn cần có của nhóm đó.

Sau cùng mới là hành động cụ thể để đạt đến nhóm chúng ta mong muốn.

Cũng vì vậy mà ông đã gọi việc “di cư” từ nhóm này sang nhóm khác là một cuộc “cách mạng”, vì việc làm đó sẽ thay đổi mọi thứ, từ suy nghĩ đến hành động, từ trong ra ngoài, giống như việc con người ta “thay da đổi thịt”.

Những việc này xảy ra bên trong nội tâm, bên trong suy nghĩ của bản thân mỗi người. Việc di chuyển từ nhóm này sang nhóm khác chủ yếu là một quá trình trở thành chứ không phải hành động trong ngày 1 ngày 2. Không phải việc “nộp đơn xin nghỉ việc và gia nhập thị trường chứng khoán” là sẽ giúp chúng ta chuyển sang nhóm Đ ngay lập tức. Kim Tứ Đồ đã khuyên chúng ta rằng, từ trong suy nghĩ, chúng ta hãy:

– Hãy chọn tự do thay vì ổn định, an toàn.

– Hãy học cách quản lý rủi ro thay vì né tránh rủi ro.

– Hãy hỏi “Làm thế nào để tôi mua nổi nó?” thay vì nói “Tôi không mua nổi nó”

– Hãy nghĩ “Thứ đó trị giá bao nhiêu về dài hạn?” thay vì “Thứ đó quá đắt tiền”

Việc tìm “nơi trú ngụ” trên Kim tứ đồ có thể được tóm tắt trong 6 bước:

Bước 1: Vượt qua nỗi sợ thất bại, nỗi sợ rủi ro.

Bước 2: Chấp nhận thay đổi và xây dựng niềm tin.

Bước 3: Tìm hiểu, làm quen và thích nghi với những “giá trị gốc rễ” của nhóm cần đến.

Bước 4: Xác định sở trường và đam mê của bản thân để phát huy.

Bước 5: Học hỏi những kiến thức, kỹ năng, thái độ và chuyên môn cần thiết tương thích với nhóm đó.

Ví dụ như Nhóm C và Đ thường cần có những kỹ năng chuyên môn như cách quản trị, kỹ năng lãnh đạo, sự hiểu biết về tiền bạc, quản trị rủi ro, phân tích thị trường, cách gọi vốn, cách sắp xếp nợ, cách điều chỉnh giá bán,…

Bước 6: Hành động.

Các bài viết liên quan: Công cụ đầu tư an toàn và hiệu quả Bí mật sách lược đầu tư cho hưu trí

TÓM TẮT

Khi nói đến việc “chuyển nhà” sang nhóm C hay Đ trên Kim tứ đồ, Robert Kiyosaki đã nhắc đến một ví dụ khi con người tìm người yêu, đó là:

“Những gì họ hành động là chạy ra ngoài và “tìm kiếm một người yêu lý tưởng” mà lẽ ra chính bản thân họ phải nên phấn đấu “trở thành người yêu lý tưởng trước nhất”.”

Rõ ràng là việc thay đổi suy nghĩ, niềm tin là điều quan trọng đầu tiên mà chúng ta phải làm trước khi tung người “nhảy nhóm” trên kim Tứ đồ.

Bởi nếu không thể thay đổi được suy nghĩ và niềm tin thì mọi hành động của chúng ta đều vô nghĩa.

Dù ở nhóm nào đi nữa thì nhóm đó cũng quan trọng và có ý nghĩa, giá trị nhất định với xã hội. Nền kinh tế luôn cần đủ 4 nhóm người trên Kim tứ đồ. Nhưng để thành công về tài chính thì mỗi người chúng ta nên nâng cao năng lực, mục tiêu và đặt mình ở ít nhất 2 hoặc 3 nhóm trên Kim tứ đồ.

Hy vọng rằng, sau bài viết Trợ Lý Tài Chính đã chia sẻ trên đây, bạn đã hiểu thêm nhiều điều hơn về Kim T Đồ, ý nghĩa của kim tứ đồ, 4 nhóm người với 4 cách kiếm tiền khác nhau, ưu nhược điểm của từng nhóm và có định hướng riêng cho mình về việc chọn nhóm nào phù hợp cũng như quá trình bước vào nhóm đó, và đừng quên chia sẻ điều này với bạn bè, người thân của chúng ta bạn nhé!

“Làm ra bao nhiêu tiền không quan trọng, quan trọng là giữ lại bao nhiêu và sinh lời bao nhiêu.”  Robert Kiyosaki.